Các hoạt động tập luyện thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng của cơ thể từ đó giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật. Đó chính là lý do cần phải duy trì việc tập luyện thể thao trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như hiện tại.

Nên tập môn thể thao gì?

Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều mặt của đời sống xã hội và dĩ nhiên, trong đó các hoạt động thể thao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, người tập cũng không cần quá hoang mang. Chỉ cần không tập trung chỗ quá đông người, tiếp xúc quá gần nhau, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng theo chỉ dẫn y tế và có sức khỏe tốt thì hoàn toàn có thể miễn nhiễm với virus này. Các nghiên cứu khoa học cũng chứng minh, những người tập luyện thể chất từ 5 đến 6 ngày mỗi tuần sẽ ít bị cảm lạnh và đau họng hơn so với những người không tập thể dục.

Và cũng từ những biện pháp phòng ngừa này, có thể thấy các môn thể thao đồng đội như: Bóng đá, cầu lông, bóng chuyền... kể cả những môn có nhiều người tham dự ở cùng 1 địa điểm như: Bơi, thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh, khiêu vũ thể thao; Gym, thể hình... chưa hẳn đã là sự lựa chọn hợp lý. Ngoài ra, các môn thể thao tiêu hao nhiều năng lượng, đòi hỏi các cơ quan trong cơ thể, gồm các hệ hô hấp phải làm việc nhiều, thì rõ ràng việc đeo khẩu trang khi tập luyện, thi đấu không chỉ là trở ngại, mà còn phản khoa học. Hay như bơi lội, dịch bệnh dễ lan truyền hơn trong môi trường nước.

Theo các chuyên gia y tế và thể thao, để duy trì và rèn luyện ở thời điểm dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp, thì chạy bộ, đi bộ một mình hoặc tập các bài tập thể thao cá nhân, với máy tại gia đình, hoặc công sở vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hạn chế khả năng lây nhiễm.

Không chỉ với người tập thông thường mà với các vận động viên chuyên nghiệp, việc tập luyện lúc này càng quan trọng hơn nhằm duy trì phong độ, thể lực khi các giải đấu phải hoãn lại vì bệnh dịch. Hình ảnh danh thủ Quang Hải tự tập luyện tại quê nhà Đông Anh (Hà Nội) trong những ngày qua, hay chia sẻ về việc duy trì chạy bộ của Travel Blogger Liên Phạm, 29 tuổi, một người chạy (runner), đồng thời là MC cho nhiều giải chạy bộ tại Việt Nam được công đồng mạng chia sẻ, ủng hộ là minh chứng.

Cần tập đúng cách

Để có hiệu quả thực sự, thì người tập vẫn phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đúng cách. Đơn cử như việc đi bộ hay chạy bộ ngoài trời, cần chọn những nơi thoáng đãng, ít người, hạn chế sử dụng khẩu trang bởi nếu vừa tập vừa đeo khẩu trang sẽ ảnh hưởng tới việc thở, đồng thời khi vận động mồ hôi trên phần mặt thấm ướt khẩu trang, điều này có khi làm khẩu trang mất vệ sinh hơn, nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn cao hơn thông thường. Khi tập luyện cũng cần phải có sức khỏe tốt, tránh tập luyện quá sức khiến sức đề kháng của cơ thể giảm sút.

Đồng thời, người chạy cần cập nhật tin tức thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về bệnh viêm phổi gây ra do virus corona. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị sốt hoặc ho, khu vực đã được chẩn đoán có dịch bệnh. Rửa tay thường xuyên bằng chất khử trùng, xà phòng và nước. Khi hắt hơi và ho, nên dùng khăn giấy che miệng và bỏ đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, không chỉ có tập luyện thể thao, cũng phải chú ý về mặt dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh để khỏe từ bên trong, tăng cường miễn dịch. Hãy cân bằng các chỉ số thành phần cần thiết để tăng sức đề kháng như chất đạm, các khoáng chất, nguyên tố vi lượng, đa lượng. Bạn nên bổ sung đều đặn các loại thức ăn từ thịt bò, trứng, cá, tôm cua, các loại hạt; sữa tươi và chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai tươi với lượng dùng vừa đủ. Các thực phẩm này chứa nhiều dưỡng chất và các lợi khuẩn giúp tăng cường sức khỏe.

Cuối cùng, không thể thiếu, đó là giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ và mỗi cá nhân phải luôn tự mình cập nhật thông tin và những hiểu biết về dịch corona để có kiến thức tự bảo vệ bản thân.

Nguồn: baomoi.com